woensdag 3 juni 2015

BẤT SINH BẤT DIỆT

Hết thảy các pháp xác thực là bất sanh, bất diệt. Ví như đóa hoa này, quý vị chăm bẵm nó, nó sanh trưởng, nở một khoảng thời gian rồi héo tàn. Chúng ta thấy đóa hoa ấy đích xác là có sanh diệt, tức sanh, trụ, dị, diệt. Trong mắt các khoa học gia, đóa hoa ấy bất sanh bất diệt, vì sao? Các nhà khoa học chẳng thấy đóa hoa ấy, mà thấy gì? Thấy các nguyên tử, điện tử, bất quá chúng từ chỗ này chạy sang chỗ kia. Các khoa học gia thấy các nguyên tử, điện tử ấy có tụ, có tán, có diệt hay không? Chẳng có diệt!

      Nếu mỗi người trong giảng đường của chúng ta là một hạt nguyên tử, nay chúng tôi đang giảng kinh, mọi người tụ họp tại đây, đó là một pháp hội. Giảng xong, mọi người giải tán. Chẳng có sanh diệt, bất sanh, bất diệt. Có duyên bèn tụ lại, vô duyên bèn tản mác. Các khoa học gia thấy các pháp chẳng có sanh diệt. Các khoa học gia gần đây mới phát hiện quan niệm này, nên nói “vật chất chẳng diệt”. Thích Ca Mâu Ni Phật đã nêu ra sự phát hiện này từ hơn ba ngàn năm trước, hết thảy các pháp bất sanh, bất diệt. Có chết hay không? Chẳng có chết! Chết rồi, mỗi phân tử trong nhục thể này đều tồn tại, chỉ bất quá là tản mác. Thân thể trong hiện thời là do nhiều nguyên tử và điện tử như vậy tụ tập thành một hình trạng. Hết thảy vạn vật thảy đều là đạo lý này, duyên tụ hay duyên tán. Hễ tụ bèn thành hình, hễ tán ắt tiêu mất. Trong ấy, thật sự chẳng tìm thấy có sanh diệt, hy vọng chư vị hãy chú tâm hiểu điều này. Quý vị có thể hiểu đạo lý này, mới hiểu kinh Pháp Hoa đã nói: “Thế pháp trụ pháp vị, thế gian tướng bất hoại” (pháp thế gian trụ đúng nơi vị trí của nó, tướng thế gian chẳng hư hoại), hai câu ấy là cảnh giới gì? Trong kinh, mọi người thường đọc thấy Vô Sanh Pháp Nhẫn, hai câu ấy đã nói rõ: Hết thảy các pháp vốn bất sanh, há có diệt? Phật và đại Bồ Tát thấy chân tướng của hết thảy vạn pháp. Hết thảy vạn pháp bất sanh, bất diệt; nếu quý vị thấy là sanh diệt, tức là quý vị đã thấy sai mất rồi!


      Tế bào, nguyên tử, và điện tử tụ hay tán trong thân thể chúng ta là tụ tán mỗi ngày, chẳng phải là đến khi chết mới phân tán. Các tế bào nơi thân thể chúng ta cứ đúng chu kỳ bảy năm sẽ chẳng còn một tế bào cũ nào, toàn là mới toanh, nhưng chúng chẳng phải thay đổi cùng một lúc, mà là thay thế hằng ngày, thay đổi trong từng sát-na. Nói như vậy thì càng thay đổi càng tốt hơn mới đúng chớ! Giống như cỗ máy bị hư, tìm linh kiện khác thay vào, nhất định là thay bằng linh kiện tốt, nói chung sẽ chẳng làm hư máy. Vì thế, người biết thay đổi, sẽ là càng thay đổi càng trẻ trung, càng thay đổi càng tốt đẹp hơn. Chẳng biết thay đổi, sẽ càng thay đổi càng bệnh nhiều hơn, càng thay đổi càng già nua hơn. Kẻ ấy chẳng biết cách thay đổi, chẳng biết chọn lựa linh kiện mới, chuyên môn tìm linh kiện cũ, tìm đồ bỏ đi của người khác, dùng những thứ ấy, rất khổ não! Tôi bảo các đồng tu: Chư vị dùng giác tâm, chánh tâm, thanh tịnh tâm để thay đổi, càng thay đổi, càng tốt đẹp hơn. Chư vị hằng ngày dùng phiền não, phân biệt, chấp trước [để thay đổi], vậy là càng thay đổi càng tệ hại! Sự trang nghiêm nơi thân thể và tướng mạo của chư vị đều do chính mình nắm quyền thao túng, tùy thuộc quý vị thay đổi theo cách nào! Người thật sự tu hành, thời gian càng lâu, xác thực sẽ hiển lộ hoàn toàn khác hẳn kẻ bình phàm, tôi nói cách này cho mọi người dễ hiểu, tức là người ta biết cách chọn lựa thay cũ, đổi mới tế bào, chọn cái tốt đẹp thay cho cái cũ kỹ.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten