Tính tò mò thiên nhiên của đứa trẻ, sự ham tìm hiểu vốn sẵn có ngay từ thủa sơ sinh, chắc chắn rằng cần được liên tục khuyến khích một cách thông minh, để duy trì cho nó luôn luôn sống động và không bị méo mó, đồng thời sẽ từ từ hướng dẫn đứa trẻ tìm hiểu về nhiều đề tài khác nhau. Nếu sự say mê học hỏi của đứa trẻ mà được khuyến khích liên tục, thì đối với những môn học như toán học, địa lý, lịch sử, khoa học, hoặc đối với bất cứ bộ môn nào, sẽ không còn có vấn đề gì có thể gây rắc rối cho đứa trẻ hoặc cho nhà giáo dục được nữa. Nếu đứa trẻ được sống trong một bầu không khí vui vẻ, hạnh phúc, cảm nhận được sự âu yếm, săn sóc của mọi người, sự học đối với nó sẽ càng trở nên dễ dàng biết bao!
Sự cởi mở và bén nhậy về cảm xúc chỉ có thể phát triển tốt đẹp khi đứa trẻ có được sự tin cậy trong giao tiếp với các “bậc thầy”. Cảm giác an toàn khi giao tiếp là điều cần thiết đầu tiên của đứa trẻ. Có một sự khác biệt rất lớn lao giữa cảm giác an toàn và cảm giác lệ thuộc. Vì hữu ý hay vô tình, nhiều nhà giáo dục đã nhồi vào đầu đứa trẻ cái cảm giác lệ thuộc, và do dó, ngấm ngầm tạo cho đứa trẻ sự sợ hãi, điều mà cha mẹ chúng cũng làm trong thái độ cư xử trìu mến hoặc hung dữ. Sự dùng quyền lực và cách cư xử độc đoán đối với đứa trẻ của cha mẹ và các bậc thầy đã tạo áp lực lên đứa trẻ về những gì nó phải trở thành, phải làm. Với sự lệ thuộc, luôn luôn kèm theo bóng tối của sợ hãi và sự sợ hãi thúc ép đứa trẻ vâng lời, rập khuôn, nhắm mắt tuân hành những mệnh lệnh và nhận lãnh không suy nghĩ những trừng phạt của người lớn. Trong bầu không khí của lệ thuộc này, sự nhậy cảm bị tan rã. Nhưng khi đứa nhỏ biết, hoặc cảm thấy, được sống trong bầu không khí an toàn, sự bừng nở cảm xúc của nó sẽ không còn bị ngăn trở bởi sự sợ hãi.
Trích: Life Ahead của KRISHNAMURTI, J
Geen opmerkingen:
Een reactie posten