zondag 2 mei 2010

Lòng từ trong Phật giáo

Ðạo Phật là tôn giáo từ bi. Ðức Phật dạy giáo pháp vì lòng thương xót thế gian. Bố mẹ phải tu tập và dạy dỗ con cái thực hành "bốn trạng thái tâm cao quý" này. Ðó là:

- Tâm Từ (Metta)

- Tâm Bi (Karuna)

- Tâm Hỉ (Mudita)

- Tâm Xả (Upeka)

Tu tập tốt bốn loại tâm này sẽ giúp bố mẹ giữ được bình tĩnh trong suốt thời kỳ khó khăn nuôi nấng con cái.

Ðây là lối sống lý tưởng để hướng tâm đến tất cả chúng sinh. Bốn trạng thái tâm này mang lại một nền tảng vững chắc cho tất cả những tình huống phát sinh từ mối quan hệ xã hội. Chúng nó là những hình thức tuyệt vời để khắc phục sự căng thẳng, người tạo hòa bình xuất sắc trong sự mâu thuẫn thuộc về xã hội, những người chữa lành vết thương trong cuộc đấu tranh sống còn; những người san bằng những cách biệt trong xã hội, những người xây dựng những cộng đồng hòa hợp, những người đánh thức lòng bao dung độ lượng bị người ta quên lãng quá lâu, những người làm sống lại niềm vui và hy vọng bị ruồng bỏ quá nhiều, những người nâng cao tình huynh đệ con người chống lại những thế lực ngã mạn, tự cao tự đại.

Có lẽ điều thử thách lớn nhất mà một cặp vợ chồng phải đối mặt đó là sự nuôi nấng giáo dục thích hợp cho một đứa trẻ. Ðây là một khía cạnh khác để phân biệt chúng ta và loài thú. Trong khi một con vật chăm sóc con cái nó với sự tận tụy, nhưng một người cha hoặc mẹ có một trách nhiệm lớn lao hơn, đó là sự nuôi dưỡng cái tâm. Ðức Phật đã dạy rằng sự thử thách lớn lao nhất mà con người đối mặt là huấn luyện thuần thục cái tâm. Kể từ khi đứa trẻ chào đời, từ lúc còn bé qua thời niên thiếu rồi đến tuổi trưởng thành, người mẹ hoặc cha có trách nhiệm làm phát triển cái tâm của đứa bé. Một người trở thành một người công dân hữu ích hay không sự việc chủ yếu tùy thuộc vào sự mở rộng cái tâm của người ấy đã được tu tập. Theo nhà Phật, một người cha hay mẹ có thể tu tập bốn phẩm hạnh tuyệt vời để giúp họ vượt qua những sự thất vọng chán nãn mà chúng liên hệ hết sức mật thiết với tư cách làm cha mẹ.

Khi đứa con còn tập đi, tập bò, không thể diễn đạt được nhu cầu của nó, nó hầu như thỏa thích trong những cơn giận và la khóc. Người cha hoặc người mẹ tu tập phẩm hạnh tâm từ đầu tiên có thể duy trì sự an lạc trong tâm của họ để tiếp tục yêu thương đứa con trong lúc điều này thật hết sức khó khăn. Ðứa bé thích thú đón nhận tình thương của tâm từ, sẽ tự học hỏi và hình thành nhân cách tốt.

Khi đứa bé trưởng thành, bố mẹ phải đối xử với chúng bằng tâm bi (Karuna). Lứa tuổi sắp sửa bước vào thời kỳ trưởng thành, chúng thường hay ngỗ nghịch, với nhiều sự giận dữ và bất mãn hướng về bố mẹ. Với sự tu tập tâm bi, bố mẹ sẽ hiểu rằng sự ngỗ nghịch này là một phần tự nhiên của tuổi đang lớn và những đứa bé đó không có ý định làm tổn thương bố mẹ chúng. Một đứa bé có tâm từ và tâm bi sẽ tự tạo cho mình trở thành một người tốt đẹp hơn. Khi không bị đối xử ghét bỏ, đứa trẻ sẽ dùng lòng từ bi đối với những người khác.
Ngay trước lúc trở thành người lớn, một đứa trẻ có thể thỏa mãn với một số thành công ở các kỳ thi hoặc những hoạt động ngoài gia đình. Ðây là thời điểm mà bố mẹ thực hành niềm vui đồng cảm (tâm hỉ). Có quá nhiều bậc cha mẹ ngày nay dùng con cái của họ để tranh đua với bạn bè. Họ muốn con mình làm thật tốt vì những lý do ích kỷ; tất cả bởi vì họ muốn người khác nghĩ tốt về họ. Bằng cách tu tập (tâm hỉ) ,bậc cha mẹ sẽ vui thích về sự thành công và hạnh phúc của con mình mà không có động cơ ích kỷ. Họ hạnh phúc bởi vì đứa con mình hạnh phúc! Một đứa trẻ đã thấm nhuần tâm hỉ, tự mình trở thành một người không ganh tỵ với kẻ khác và không đua tranh bất chánh trong gia tộc. Một người như vậy trong lòng họ sẽ không còn chỗ nào cho sự ích kỷ, tham hoặc sân.

Khi một đứa bé đến tuổi trưởng thành rồi, có sự nghiệp và gia đình riêng tư, bố mẹ sẽ tụ tập phẩm hạnh tuyệt vời cuối cùng là tâm xả. Ðây là một tư duy mới, một việc làm khó khăn đối với các bậc làm cha mẹ theo truyền thống Á Ðông. Họ thật khó chấp nhận con cái có cuộc sống độc lập. Khi cha mẹ tu tập tâm xả, họ sẽ không còn can thiệp vào những công việc của con cái và không còn ích kỷ đòi hỏi thêm nhiều thời gian và sự quan tâm của chúng vượt quá khả năng mà chúng có thể làm được. Lớp người trẻ trưởng thành trong xã hội ngày nay có nhiều trách nhiệm phải làm, nên các bậc cha mẹ không nên tạo thêm gánh nặng đối với con cái. Ðiều quan trọng nhất, là cha mẹ lớn tuổi, cố gắng đừng tạo cho con cảm thấy tội lỗi khi chúng không đủ thời giờ trong việc phụng dưỡng mẹ cha. Nếu cha mẹ tu tập tâm xả họ sẽ duy trì sự an lạc lúc tuổi già và trở thành đối tượng tôn kính của thế hệ trẻ hơn.

Khi cha mẹ sống với con bằng bốn phẩm hạnh cao thượng này, tình thương yêu và lòng hỷ xả sẽ thâu nhiếp những đứa con cùng tắm mình trong không khí thuận hòa, vui vẻ. Một gia đình có những phẩm hạnh từ bi, hỷ xả sẽ là một gia đình hạnh phúc. Những đứa trẻ lớn lên trong một môi trường như thế sẽ là những người công dân tri thức, bi mẫn, thiện chí và những người chủ nhân tận tụy. Ðây là tài sản lớn lao nhất mà bất cứ bậc cha mẹ đều có thể trao cho con cái họ.

_______
(sưu tầm)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten